PHƯỜNG 1 QUẬN TÂN BÌNH

Thông báo
Ngày 17-2-1947: Bác Hồ căn dặn “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 17-2

Sự kiện trong nước

- Ngày 17-2-1791 là ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ông sinh năm 1724 trong một gia đình danh gia vọng tộc, có nhiều người đỗ đạt ở thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Mỹ Hào, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Lê Hữu Trác không chỉ là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng xuất sắc. Ông là tác giả của bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, được coi là "Bách khoa thư Y học" đầu tiên của Việt Nam.

Ngày 17-2-1947: Bác Hồ căn dặn “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nguồn: www.tapchidongy.org

- Ngày 17-2-1859, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã đánh chiếm và phá hủy nhiều công trình quân sự của Vương triều nhà Nguyễn, trong đó có thành Gia Định. Trận đánh này được bắt đầu vào rạng sáng ngày 17-2-1859 và kết thúc khoảng 10 giờ trưa cùng ngày.

- Ngày 17-2-1947, quân và dân Thủ đô kết thúc 60 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để chống lại quân đội Pháp và bảo vệ Hà Nội. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Trung đoàn Thủ đô đã vượt qua vòng vây dày đặc của quân địch và rút quân an toàn lên chiến khu theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

- Ngày 17-2-1979, Trung Quốc mở cuộc tấn công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1.400km.

Ngày 17-2-1947: Bác Hồ căn dặn “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”
Sáng ngày 20-2-1979, chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Bộ đội Lạng Sơn tổ chức tấn công, chiếm lại đồi Chậu Cảnh và đồi Cây Xanh (cao điểm 409), thuộc xã Tam Lung, huyện Văn Lãn, tỉnh Lạng Sơn, bị địch chiếm đóng từ ngày 17-2-1979. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong tuyên bố đưa ra sau hành động của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam nêu rõ: “Người cầm quyền Trung Quốc đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước”, đồng thời khẳng định: “Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình kiên quyết đánh trả...”

Trong suốt 30 ngày đêm chiến đấu anh dũng, chống trả quyết liệt, quân đội Việt Nam đã giữ vững trận địa và đẩy lui được quân đối phương. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc chịu tổn thất mà không đạt được mục tiêu đề ra và trước sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, ngày 5-3-1979, chính quyền Trung Quốc phải tuyên bố rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam. Cuộc chiến đấu chỉ diễn ra trong vòng một tháng, tuy nhiên, những xung đột vẫn diễn ra dọc biên giới trong 10 năm sau đó, và hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ kể từ năm 1991.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 17-2-2008, Kosovo tuyên bố độc lập và tách ra khỏi nước Cộng hòa Serbia, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền nước này và nhiều quốc gia khác. Sau tuyên bố này, Kosovo trở thành nước thứ 6 tách khỏi Liên bang Nam Tư (trước đây) kể từ năm 1991, sau Slovenia, Croatia, Macedonia, Bosnia và Herzegovina, và Montenegro.

Ngày 17-2-1947: Bác Hồ căn dặn “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”
 Người dân Kosovo ăn mừng sự kiện tuyên bố độc lập ngày 17-2-2008. Ảnh: Vnexpress.

- Ngày 17-2-1996, một trận động đất kéo theo sóng thần đã xảy ra ở ngoài khơi Indonesia đã khiến 108 người chết, 423 người bị thương và 58 người mất tích.

Theo dấu chân Người

- Ngày 17-2-1923 là ngày Tết Quý Hợi, tại Paris, Nguyễn Ái Quốc cùng bà con Việt kiều dự một bữa tiệc mừng Tết Nguyên đán và công bố sự hoạt động trở lại của Hội Ái hữu, một tổ chức do các nhà yêu nước Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường thành lập cách đó 10 năm nhưng đã ngừng hoạt động từ năm 1914 sau khi hai nhà sáng lập đều bị thực dân bắt giam.

- Ngày 17-2-1949, Bác viết Thư gửi Đội lão quân huyện Nam Đàn và dặn dò đội trong công tác tổ chức lực lượng, tăng gia sản xuất và học tập nâng cao dân trí.

- Ngày 17-2-1950 tức ngày mồng Một Tết năm Canh Dần, giữa lúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn quyết liệt, Bác đã viết bài thơ chúc mừng năm mới gửi đồng bào cả nước:

“Kính chúc đồng bào năm mới,

Mọi người càng thêm phấn khởi,

Toàn dân xung phong thi đua,

Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới,

Chuyển mau sang tổng phản công,

Kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Ngày 17-2-1947: Bác Hồ căn dặn “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên Giới (1950). Ảnh: www.hochiminh.vn

- Ngày 17-2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc chuyến thăm Miến Điện (Myanmar), ký kết Tuyên bố chung và dự lễ nhận bằng Tiến sĩ Luật học Danh dự của Trường Đại học Rangun (Rangoon). Bác bày tỏ niềm vinh dự được nhận danh hiệu cao quý của “...một trung tâm văn hoá có truyền thống vẻ vang yêu nước và anh dũng chống thực dân. Trường này đã đào tạo ra vị anh hùng dân tộc Ung San và các nhà lãnh đạo khác của Miến Điện...”

- Ngày 17-2-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Thêm một thắng lợi to lớn” đăng trên Báo Nhân dân số 2525, ca ngợi thành công của Liên Xô đã phóng vệ tinh đầu tiên của trái đất, mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.

(Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào tản cư vào ngày 17-2-1947. Trong thư Bác viết: “Tôi và Chính phủ không giờ phút nào không lo lắng đến các đồng bào. Bây giờ đang cực khổ, thì chúng ta vui chịu với nhau. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, chúng ta sẽ cùng nhau vui sướng. Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ.”

Ngày 17-2-1947: Bác Hồ căn dặn “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết đồng bào xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội ngày 8-2-1958. Ảnh: www.baovanhoa.vn

Lời động viên trên không những thể hiện sự quan tâm, lo lắng, sẻ chia của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào tản cư đang ngày đêm chịu cảnh cực khổ khi nước nhà bị thực dân Pháp xâm lược, mà còn khẳng định truyền thống giống nòi, ý chí sắt đá, vượt khó vươn lên, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta được hình thành và phát triển ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước. Qua hàng trăm cuộc khởi nghĩa và hàng chục cuộc kháng chiến lớn nhỏ, lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta đã để lại một di sản quý báu, đó là truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất, bảo vệ độc lập dân tộc. Truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn của mọi người dân, là nguồn động viên tinh thần lớn lao, có tác dụng duy trì tinh thần chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của nhân dân ta. Cũng chính lịch sử đấu tranh giữ nước đã tạo ra và hun đúc ý chí, tự lực, tự cường dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta nhận thức sâu sắc rằng: Nước mất thì nhà tan, do đó muốn mưu cầu tự do, ấm no, hạnh phúc, trước hết phải đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đồng tâm, hợp lực đẩy mạnh và thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước vừa có những thuận lợi, vừa có những khó khăn đan xen. Trước yêu cầu đó, lời động viên “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ” vẫn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc, giúp khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cỗ vũ, động viên nhân dân ta, quân đội ta vượt mọi khó khăn thử thách để chiến thắng đói nghèo, lạc hậu; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, câu nói đó cũng nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam nói chung, mỗi quân nhân trong quân đội nói riêng hãy bằng những hành động, việc làm cụ thể trong lao động, chiến đấu, thể hiện nghị lực vươn lên, quyết tâm làm tròn chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên, với tinh thần sáng tạo và cống hiến để thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, và văn minh. Phát huy tinh thần của câu nói đó còn là thể hiện sự trân trọng lịch sử, sự biết ơn với các thế hệ đi trước, tôn vinh những con người đã anh dũng hi sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

- Ngày 17-2-1956, Báo Quân đội nhân dân số 229 đăng ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm chúc Tết các đồng chí thương binh ở Trường Thương binh hỏng mắt”.

Cũng trên trang nhất của số báo này, Báo Quân đội nhân dân có bài viết “Bộ đội bảo vệ cầu Việt Trì phấn khởi gặp được Bác trong ngày Tết” nói về chuyến thăm và chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên công trường Cầu Việt Trì. Trò chuyện với bộ đội bảo vệ công trình, Bác yêu cầu các đồng chí phải luôn luôn “đề cao cảnh giác, ra sức bảo vệ công trình phục hồi kinh tế của Tổ quốc”. Người lấy ví dụ: “Có túi tiền, lại biết có kẻ ăn cắp thì phải đề phòng ngay từ đầu. Chớ để đến lúc kẻ ăn cắp lấy mất tiền mới chú ý”.

Ngày 17-2-1947: Bác Hồ căn dặn “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”
Bài viết và ảnh về Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân số 229 đăng ngày 17-2-1956.

- Báo Quân đội nhân dân số 2068 ra ngày 17-2-1967 đăng bài viết “Hồ Chủ tịch vui Tết với Phái đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại miền Bắc”.

Ngày 17-2-1947: Bác Hồ căn dặn “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”
Bài viết “Hồ Chủ tịch vui Tết với Phái đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại miền Bắc” đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 17-2-1967.

- Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 6035 ra ngày 17-2-1978 đăng Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân với dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”.

Ngày 17-2-1947: Bác Hồ căn dặn “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 17-2-1978.