PHƯỜNG 1 QUẬN TÂN BÌNH

Thông báo
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN III – NĂM 2019

Sau thành công của Đại hội các dân tộc thiểu số của 24 quận – huyện trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần III năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 11 và 12 tháng 12 năm 2019. Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, đại hội sẽ là dịp tổng kết, đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn toàn thành phố trong 05 năm qua.

Nhằm thực hiện công tác tuyên truyền đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III năm 2019, Ủy ban nhân dân quận Tân Bình trích đăng một số nội dung tuyên truyền (dạng hỏi – đáp) để bạn đọc hiểu thêm về đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay như sau:

* Hỏi: Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá về tầm quan trọng của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam như thế nào?

* Đáp: Tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 08/5/2009 của Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam về lãnh đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, đã nêu rõ: “Bác Hồ lúc sinh thời, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức hai Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở hai miền Bắc và Nam… Đây là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam; nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số đối với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước… Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước. Đại hội là biểu tượng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và hành động vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

* Hỏi: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ I và lần thứ II tổ chức vào năm nào? Lần kế tiếp dự kiến vào thời gian nào?

* Đáp: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ I tổ chức vào ngày 27/12/2009 tại Nhà hát thành phố, Quận 1.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ II tổ chức vào ngày 27/12/2014 tại Hội trường thành phố, Quận 3.

Căn cứ Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, tại Chương I, Điều 6, Khoản 2 ghi rõ: “Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 05 năm một lần”. Do vậy, năm 2019 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III, dự kiến vào tháng 11 năm 2019.

* Hỏi: Mục đích, ý nghĩa của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số?

* Đáp:  Tiếp tục khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế;

- Tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn từ 2014 - 2019;

- Đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014 - 2019.

- Tôn vinh, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu là đồng bào các dân tộc thiểu số; chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào năm 2020.

* Hỏi: Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân tộc? Công tác dân tộc hiện nay.

* Đáp: Bước sang thời kỳ đổi mới thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập với thế giới hiện đại, công tác dân tộc được Đảng ta nhấn mạnh qua Văn kiện Đại hội XI thể hiện ở một số điểm chính sau:

Một là, mọi cán bộ, đảng viên, đồng bào dân tộc cần nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chiến lược của công tác dân tộc nước ta hiện nay.

Hai là, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược công tác dân tộc ở nước ta hiện nay.

Ba là, nâng cao đời sống văn hóa, đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Bốn là, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn vùng đồng bào dân tộc.

Thực hiện quan điểm chiến lược của Đảng về công tác dân tộc ở nước ta hiện nay phải được đặt ra một cách cơ bản, xác định nội dung, hình thức, biện pháp, bước đi một cách tòan diện và hệ thống, phù hợp với thực tiễn cụ thể nước ta hiện nay.

* Hỏi: Chính sách đầu tư phát triển bền vững ở vùng dân tộc thiểu số được thực hiện như thế nào?

* Đáp: Điều 9, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc nêu rõ Chính sách đầu tư phát triển bền vững ở vùng dân tộc thiểu số như sau:

- Đảm bảo việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các dân tộc.

- Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đặc biệt đối với dân tộc thiểu số rất ít người và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; chú trọng đào tạo nghề, sử dụng lao động là người tại chỗ, đảm bảo thu nhập ổn định, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng khác.

- Khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.

- Chủ đầu tư các dự án quy hoạch, xây dựng có ảnh hưởng tới đất đai, môi trường, sinh thái và cuộc sống của đồng bào các dân tộc, phải công bố công khai và lấy ý kiến của nhân dân nơi có công trình, dự án được quy hoạch, xây dựng quy định của pháp luật; tổ chức tái định cư, tạo điều kiện để người dân đến nơi định cư mới có cuộc sống ổn định tốt hơn nơi ở cũ.

Chính quyền ở nơi có người đến định cư có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư đảm bảo định canh, định cư lâu dài, tạo điều kiện để đồng bào ổn định cuộc sống.

- Thực hiện quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung một cách hợp lý đối với những địa bàn khó khăn, đảm bảo cho đồng bào phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng miền.

- Thực hiện các chương trình, đề án xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết cơ bản vấn đề vốn, đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất cho nông dân thiếu đất, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển kinh tế, giao đất, giao rừng cho hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số, chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.

- Tổ chức phòng, chống thiên tai và ứng cứu người dân ở vùng bị thiên tai, lũ lụt.

- Có chính sách hỗ trợ kịp thời những dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt để ổn định và phát triển

- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

* Hỏi: Việc hỗ trợ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được thực hiện như thế nào?

* Đáp: Tại Điều 13 của Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc quy định:

- Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

- Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các DTTS có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật.

- Xây dựng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ việc đầu tư, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng.

- Đồng bào DTTS được ưu đãi, hưởng thụ văn hóa; hỗ trợ xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào DTTS.

- Bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở vùng đồng bào DTTS.

* Hỏi: Ở những địa phương vùng dân tộc thiểu số (DTTS), Nhà nước đã có những ưu tiên gì để người dân được thụ hưởng chính sách y tế và dân số?

* Đáp: Theo Điều 16 của Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc quy định:

- Đảm bảo đồng bào các DTTS được sử dụng các dịch vụ y tế; thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS theo quy định của pháp luật.

- Tập trung xây dựng, củng cố, mở rộng cơ sở y tế, khám chữa bệnh; bảo đảm thuốc phòng và chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ việc bảo tồn, khai thác, sử dụng những bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh cổ truyền có giá trị của đồng bào các dân tộc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

- Bảo đảm nâng cao chất lượng dân số, phát triển dân số hợp lý của từng dân tộc theo quy định của pháp luật.

- Đẩy mạnh sự nghiệp xã hội hóa y tế, thực hiện chính sách ưu tiên đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động đầu tư, phát triển y tế ở vùng DTTS.

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung điều này.

“ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT

THÀNH CÔNG, THÀNH CÔNG, ĐẠI THÀNH CÔNG”

“ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH BÌNH ĐẲNG, ĐOÀN KẾT,

CÙNG NHAU XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VĂN MINH, HIỆN ĐẠI , NGHĨA TÌNH”