PHƯỜNG 1 QUẬN TÂN BÌNH

Thông báo
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN

        Theo Báo cáo của Liên hiệp quốc năm 2018 mỗi năm trên Thế giới hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất và phần lớn lượng rác thải nhựa này đang bị chôn vùi trong các bãi rác hoặc ra đại dương[1].

        Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới. Các nước đầu bảng lần lượt là Trung Quốc, Indonesia và Philippines[2].

        Tại TPHCM theo số liệu thống kê năm 2015 chất thải nhựa chiếm trung bình 25% lượng chất thải rắn, phát sinh trên địa bàn[3].

        Vòng đời các sản phẩm nhựa dùng 1 lần thường rất ngắn, trong khi đó, việc sản xuất lại tốn nhiều nguyên liệu từ dầu mỏ, sử dụng nhiều năng lượng và phát sinh nhiều khí thải. Chất thải nhựa khi bị thải bỏ bừa bãi sẽ gây mất mỹ quan đô thị; gây tắt nghẽn dòng chảy cống rãnh, kênh rạch, tạo vùng nước tù, đọng làm phát sinh muỗi, dịch bệnh, khiến tình trạng ngập của TPHCM thêm trầm trọng; đặc biệt nguy hại cho sinh vật biển. Nghiêm trọng hơn chất thải nhựa sẽ phân rã thành các vi nhựa, các vi nhựa có khả năng hấp thụ chất ô nhiễm trong môi trường, qua các chuỗi thức ăn của sinh vật biển, chúng có mặt trong thực phẩm và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Khi bị thải bỏ chất thải nhựa tồn tại rất lâu trong môi trường, có thể mất hàng trăm, hàng ngàn năm mới phân hủy. (Đính kèm hình ảnh minh họa)

        Tại 1 số nơi người dân vẫn còn thói quen đốt rác thải tại nhà và nơi công cộng, đốt chất thải sinh hoạt trong đó có chất thải nhựa sẽ tạo ra nhiều khói thải nhựa chứa nhiều chất ô nhiễm, độc hại như hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, bụi lơ lửng, bụi kim loại nặng, dioxin… làm ô nhiễm không khí, gây hại cho sức khỏe con người (hen suyễn, giãn phế nang, ảnh hưởng hệ thần kinh, thận, gan).

        Điều đáng nói phần lớn rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, chỉ có 30% chôn lấp hợp vệ sinh. Điều này vừa tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí quỹ đất, lãng phí khối lượng lớn rác có thể tái chế; trong khi rác hữu cơ có thể làm nguyên liệu phân hữu cơ. TP.HCM hiện có 5 bãi chôn lấp đã được đóng cửa theo đúng quy chuẩn[4].

        Toàn TP.HCM thải ra khoảng 9.000 tấn rác/ngày, trong đó, 60% lượng rác trên được lực lượng rác dân lập thu gom, 40% còn lại được các công ty TNHH MTV môi trường đô thị thành phố và các công ty TNHH MTV dịch vụ công ích thu gom. Theo quy trình, rác được thu gom từ các hộ dân, điểm tập kết, trạm trung chuyển và xử lý sơ bộ trước khi chuyển về các khu xử lý. Phí thu gom rác được đóng cho người, đơn vị thu gom rác. Còn khâu vận chuyển, xử lý rác vẫn được Nhà nước bao cấp. Số tiền chi cho các khâu này hơn 2.000 tỉ đồng mỗi năm[5].

        Sáng 28/8/2019, đã khởi công nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên ở TP.HCM tại huyện Củ Chi, nhà máy có công suất 2.000 tấn/ngày, nâng công suất lên 6.000 tấn/ngày vào năm 2021[6]. Đây là 1 trong 2 dự án xử lý rác phát điện tại huyện Củ Chi đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.

    * MỤC ĐÍCH PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN: là quản lý rác thải chặt chẽ ngay tại nguồn nhằm ngăn ngừa, giảm những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người.

        Theo thống kê, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 9.000 tấn rác thải rắn sinh hoạt, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp; 15% tái chế nhựa; còn lại là đốt không phát điện. Theo tính toán, nếu phân loại rác tại nguồn thành công, thành phố sẽ tái sử dụng 90 đến 95% khối lượng chất thải rắn, trong đó khoảng 70% dành để tái sinh năng lượng, giúp giảm đáng kể ô nhiễm do mùi và nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp.

        Do đó, việc TP Hồ Chí Minh quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là rất cần thiết và thể hiện quyết tâm giữ môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp.

        * LÝ DO MỖI NGÀY CHỈ LẤY MỘT LOẠI RÁC:

-      Nếu lấy 2 loại rác cùng 1 ngày thì lực lượng thu gom phải tăng 2 chuyến lấy rác, giá thu gom người dân phải trả sẽ tăng. Vì sau khi thu gom, lực lượng thu gom chở rác hữu cơ về điểm tập kết, trạm trung chuyển, nhà máy xử lý rác hữu cơ, còn rác thải còn lại thì chở về điểm tập kết, trạm trung chuyển, nhà máy xử lý rác thải còn lại, tức là 2 tuyến đường vận chuyển khác nhau, do đó giá thu gom, vận chuyển sẽ tăng.

-      Dễ bị trộn lẫn 2 loại chất thải hữu cơ và chất thải còn lại nên sẽ hộ gia đình sẽ khó phân loại. Lực lượng thu gom phải xé bao rác và phân loại lại.

        * THỰC TẾ TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG 1: thí điểm tại 6 tổ dân phố của 5 khu phố thì rác hữu cơ lại phát sinh mùi hôi, tuy nhiên, rác hữu cơ ít, phần lớn là rác thải còn lại. Do đó nếu rác hữu cơ hoặc bỉm tả của rác thải còn lại phát sinh mùi thì hộ gia đình nên cột chặt bịch rác và bỏ vào thùng rác đậy kín nắp.

*      Vừa qua, ngày 26/9/2019, UBND phường đã tổ chức họp sơ kết việc thí điểm tại 6 tổ dân phố thực hiện phân loại và 5/5 khu phố đã đồng thuận, thống nhất với lịch lấy rác:

        - Chất thải hữu cơ: thu gom thứ 2, 4, 6, Chủ nhật hàng tuần.

        - Chất thải còn lại: thu gom thứ 3, 5, 7 hàng tuần.

        - Chất thải nguy hại được thu gom tại trụ sở UBND phường vào sáng thứ Bảy của tuần cuối tháng. Bắt đầu từ 28/10/2019 đến 28/12/2019.

      * Để hưởng ứng chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, cần có sự chung tay và góp sức của cả cộng đồng với những hành động thiết thực như:

        + Phân loại chất thải để chất thải có thể được tái chế theo lịch trình: Chất thải hữu cơ: thu gom thứ 2, 4, 6, Chủ nhật hàng tuần; Chất thải còn lại: thu gom thứ 3, 5, 7 hàng tuần.

        + Bỏ chất thải đúng nơi quy định,

        + Không bỏ bừa bãi ra đường phố kênh rạch,

        + Không tự ý chôn lấp hoặc đốt các chất thải nhựa,

        + Nói không với túi nilong và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần,

        + Đem theo túi khi đi mua sắm, sử dụng các sản phẩm dùng nhiều lần thân thiện với môi trường,

        + Sử dụng tiết kiệm và tái sử dụng hợp lý các sản phẩm làm từ nhựa.

        HÃY THAY ĐỔI THÓI QUEN "VÌ CUỘC SỐNG XANH"

*      Tiến độ thực hiện:

-      Từ 26/9 đến 25/10: tổ chức tuyên truyền:

        + BĐH 5 KP 64 Tổ dân phố;

        + Tập huấn cho 64 tuyên truyền viên nòng cốt tại 64 tổ dân phố,

       + 64 tuyên truyền viên tuyên truyền tại 64 tổ dân phố: tờ gấp tuyên truyền + nhãn dán.

        + Ký bảng cam kết

        + Tặng bình thủy tinh.

       + Tuyên truyền cho những hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa tham gia ký cam kết.

        + Dự kiến ngày 27/10/2019: tổng ra quân thực hiện phân loại rác trên toàn địa bàn phường, theo đó Chất thải hữu cơ thu gom thứ 2, 4, 6, Chủ nhật hàng tuần; Chất thải còn lại thu gom thứ 3, 5, 7 hàng tuần

       + Lực lượng thu gom sẽ không lấy rác nếu không phân loại đúng quy định.

       + Xử lý theo quy định đối với các hộ gia đình, chủ nguồn thải không chấp hành phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định (sau khi đã được chủ thu gom, vận chuyển nhắc nhở 3 lần trở lên/tuần). 

 

 

Bao nhựa mất đến 10-100 năm để phân hủy.

Bàn chải đánh răng thường làm từ nhựa cứng và nylon, mất trên 500 năm để phân hủy.

Mỗi năm có đến 0,8 tỷ kg rác thải từ điếu thuốc lá được thải ra môi trường.

Túi nhựa dày nếu để nằm sâu bên dưới một bãi rác thì nó có thể tồn tại vô thời hạn.